Tác phẩm Tịch_Thiên

Sư là tác giả của hai tác phẩm quan trọng là (Đại thừa) Tập Bồ Tát học luận (sa. śikṣāsamuccaya) và Nhập bồ-đề hành luận (sa. bodhicaryāvatāra). Một tác phẩm thứ ba cũng thường được nhắc đến là Tập kinh luận (sa. sūtrasamuccaya) đã thất truyền (theo Thánh Nghiêm thì được dịch ra Hán ngữ dưới tên Đại thừa thật yếu nghĩa luận). Nhập bồ-đề hành luận rất thông dụng trong Phật giáo Tây Tạng, là kinh điển giáo khoa.

Nhập bồ-đề hành luận

Nhập bồ-đề hành luận trình bày các bước tu học vị Bồ Tát, từ lúc phát Bồ-đề tâm (sa. bodhicitta) cho đến lúc đạt trí Bát-nhã (sa. prajñā), dựa trên Lục ba-la-mật-đa (sa. ṣaṭpāramitā). Nhập bồ-đề hành luận là tác phẩm nhằm hướng dẫn cho Cư sĩ hay người mới nhập môn. Tịch Thiên giảng giải trong tác phẩm này hai phương pháp nhằm giúp vị Bồ Tát tương lai nhận biết tại sao mình lại cứu độ cho người và xuất phát từ đó các hành động cần thiết. Một mặt hành giả phải tu học phép quán chiếu cái nhất thể giữa mình và người (sa. parātmasamatā), mặt khác phải học phép hoán đổi giữa mình và người (sa. parātmaparivartana, xem thêm Bất hại), tức là đặt mình vào địa vị của chúng sinh để thấu rõ tâm trạng của Hữu tình (sa. sattva).

Tập Bồ Tát học luận

Tập Bồ Tát học luận bao gồm 19 chương (sa. pariccheda) với 27 bài kệ chính và lời bình giảng, giải thích rõ những câu kệ này. Phần bình giảng hàm chứa nhiều đoạn trích dẫn kinh điển — Tịch Thiên trích dẫn trên 100 bộ kinh. Phần đóng góp của Sư trong đây nằm trong phạm vi tóm lược và viết lời dẫn dưới dạng văn xuôi. Trọng tâm của Tập Bồ Tát học luận là con đường tu tập của một vị Bồ Tát. Mặc dù Sư theo cách phân chia truyền thống theo sáu Ba-la-mật-đa (sa. pāramitā) nhưng lại không dùng chúng làm sườn một cách xuyên suốt trong tác phẩm này. Thay vào đó, Sư viết rõ hơn về điều kiện dẫn nhập và những chặng đường phát triển "bên dưới", kể từ lúc ban sơ, từ lúc một Phật tử phát tâm Bồ-đề vì lợi ích chúng sinh. Quan trọng cho cấu trúc của Tập Bồ Tát học luận, ngoài Lục ba-la-mật-đa ra là những quỹ phạm khác, ví như ba điểm quan trọng là bản thân (sa. ātmabhāva), vật sở hữu (sa. bhoga) và Công đức (sa. puṇya) của một Bồ Tát. Ba điểm này được giảng thuật dưới bốn khía cạnh, đó là: sự buông xả (sa. utsarga), bảo hộ (sa. rakṣā), thanh tịnh (sa. śuddhi) và tăng trưởng (sa. vṛddhi).

Điểm đặc biệt của Tập Bồ Tát học luận nằm ở chỗ không nhấn mạnh đến khía cạnh triết học Phật giáo, mặc dù cơ sở quan trọng này không bao giờ bị xao lãng. Thay vào đó, luận văn chuyên chú đến khía cạnh tu tập cụ thể mà mỗi Phật tử có thể thực hành. Tất cả những chủ đề được đưa ra và bình luận đều hướng về mục đích cứu cánh, đó là thành tựu quả vị Bồ Tát, đạt giác ngộ vì lợi ích chúng sinh. Nhìn chung, tác phẩm được viết một cách giản dị, tha thiết và đầy thi vị. Tập Bồ Tát học luận và Nhập Bồ-đề hành luận sau này trở thành sách giáo khoa căn bản của Phật giáo Tây Tạng và đây cũng là lý do vì sao bộ Phiên dịch danh nghĩa đại tập (zh. 翻譯名義大集, sa. mahāvyutpatti) đặt Tịch Thiên ngang hàng những vị Đại luận sư khác như Long Thụ, Thánh Thiên, Nguyệt Xứng, Thanh BiệnGiác Hiền.

Tiểu sử bên dưới được ghi lại theo cách nhìn của Mật giáo Ấn Độ, Tây Tạng.